Thúc đẩy tín dụng xanh nằm trong chiến lược tăng trưởng xanh, chuyên gia cho rằng bên cạnh việc cần những đơn vị đi tiên phong, những ngân hàng lớn dẫn đường, thì cũng cần có những chính sách cụ thể khuyến khích cho những đơn vị tham gia vào lĩnh vực này.
Tín dụng xanh vẫn tăng nhưng không nhiều

Đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy vai trò to lớn của tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững hài hòa với thiên nhiên. Trong thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21), yếu tố tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực là ba thành tố chính để tạo tiền đề cũng như động lực thúc đẩy việc thực hiện các cam kết mà thỏa thuận này đề ra. Việt Nam đã cam kết tự giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Ngân hàng với vai trò trung gian tài chính là mắt xích vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, chính sách tín dụng xanh là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Năm 2015, NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. NHNN cũng ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với các giải pháp như tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện ngân hàng - tín dụng xanh; đẩy mạnh triển khai các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng - tín dụng xanh. Đã hơn 6 năm kể từ khi ban hành Chỉ thị 03, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cũng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực qua từng năm, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng thì tốc độ tăng trưởng vẫn còn rất khiêm tốn.
Tín dụng các dự án xanh chiếm 3,6% tổng dư nợ nền kinh tế

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính tới hết quý I/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh là 334.644,35 tỷ đồng - chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, và tăng 0,46% so với năm 2020. Tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm hơn 39% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 37%. Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1.312.659,67 tỷ đồng - chiếm 14,17 % tổng dư nợ toàn nền kinh tế và tăng 1,77% so với cuối năm 2020, với 734.167 khoản cấp tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính chia sẻ, việc dư nợ tín dụng xanh/tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ nền kinh tế đã quan tâm nhiều hơn tới những dự án phục vụ cho môi trường. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận là ở mức tăng hơn 3,6% vẫn còn khá thấp. Tín dụng xanh không đơn thuần chỉ gói gọn trong những dòng vốn trực tiếp tài trợ cho một số lĩnh vực như năng lượng sạch (gió, mặt trời…) mà còn là những dự án mà có các điều khoản cam kết không sử dụng vốn tín dụng để phục vụ cho những hoạt động sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ở Việt Nam, hiện nay những dự án cho năng lượng tái tạo vẫn chưa nhiều, và tín dụng xanh đôi khi vẫn bị hiểu theo nghĩa hẹp.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thách thức của việc thúc đẩy tín dụng xanh nằm ở việc những dự án về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… thường đòi hỏi nguồn vốn khá lớn trong một thời gian dài.

Điều này lý giải vì sao phần nhiều tín dụng xanh mới chủ yếu tập trung ở những ngân hàng có quy mô lớn. Đó là chưa kể những dự án xanh phải đáp ứng được những điều kiện môi trường xã hội khá khắt khe, tính thẩm định theo đó cũng rất phức tạp đòi hỏi ở mỗi ngân hàng buộc phải có một bộ phận chuyên biệt để thẩm định được những dự án dạng này.

Nhận thức và chính sách

Bên cạnh thách thức về vốn, theo chuyên gia tín dụng xanh muốn có sự bứt phá hơn trong thời gian tới thì nhận thức về môi trường phải thật sự được nâng cao. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Đối với riêng ngành Ngân hàng, thời gian qua, NHNN đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh; ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu: Thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh… NHNN cũng đã ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…

Theo quan sát, những động thái của các ngân hàng nhiều năm trở lại đây cũng cho thấy rằng tín dụng xanh đã được quan tâm nhiều hơn. Bằng chứng là việc nhiều ngân hàng, không chỉ là những NHTMNN, đang rót vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Mới đây, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và BIDV đã ký kết thỏa ước tín dụng hạn mức tín dụng xanh SUNREF để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cũng cho hay, nhằm đóng góp cho chiến lược kinh tế xanh, nhà băng này đã xây dựng thành công mô hình ngân hàng xanh toàn diện với việc tài trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án năng lượng mặt trời và tài trợ hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xanh hóa quản trị, vận hành.

HSBC Việt Nam cũng vừa được vinh danh tại The Asset Triple A Awards 2021 với giải thưởng “Giải pháp tài chính Thương mại theo tiêu chuẩn Môi trường, xã hội và quản trị tốt nhất Việt Nam”. Ngân hàng được vinh danh nhờ cung cấp các giải pháp về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cho thấy năng lực của nhà băng trong việc thu xếp các khoản tín dụng xanh mang tính đột phá.

MSB cũng có định hướng đẩy mạnh tín dụng xanh từ năm 2019 theo chỉ đạo và định hướng chung của Chính phủ và NHNN. Hiện MSB đang cấp tín dụng cho nhiều dự án điện mặt trời khác tại các tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền tài trợ hiện khoảng 3.500 tỷ đồng. Từ nay tới cuối năm 2021, MSB có kế hoạch triển khai loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương tiềm năng với tổng đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, đây chỉ là một phần trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo mà ngân hàng này công bố vào đầu năm 2021…

Thúc đẩy tín dụng xanh nằm trong chiến lược tăng trưởng xanh, chuyên gia cho rằng bên cạnh việc cần những đơn vị đi tiên phong, những ngân hàng lớn dẫn đường, thì cũng cần có những chính sách cụ thể khuyến khích cho những đơn vị tham gia vào lĩnh vực này. Bởi như đã nói ở trên, các phương án kinh doanh hay những tiểu dự án tham gia chính sách này bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường. Nên nếu không có hỗ trợ nhất định về lãi suất thì các khách hàng cũng chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng.

Phía Chính phủ và NHNN nên có hỗ trợ gói lãi suất với các dự án, chương trình tín dụng xanh, cũng như một số ưu đãi khác về chính sách, đất đai…, có vậy thì các dự án này khi vay vốn mới có thể tiết giảm được chi phí, hoạt động tài chính hiệu quả hơn. Giới chuyên gia đều chung quan điểm, muốn hiệu quả thì phải được cụ thể hoá bằng biện pháp, có chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh, chứ dừng ở góc độ chủ trương là chưa đủ.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Minh Khôi