Giao dịch qua điện thoại di động và kênh QR tăng trưởng gần gấp đôi về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị trong các tháng đầu năm
Số liệu vừa được Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho thấy thanh toán qua kênh Internet tăng chậm hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của giao dịch qua điện thoại và QR.
Ảnh minh hoạ |
Vụ Thanh toán NHNN cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển TTKDTM. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, NHNN đã (i) ban hành và triển khai Thông tư 16/2020/TT-NHNN hướng dẫn về việc mở tài khoản tài khoản thanh toán với nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) (ii) trình Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ nhằm góp phần phát triển hoạt động TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam; (iii) trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM; (iv) trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; (v) ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 07/01/2021 tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng;
(vi) Ký kết Quy chế phối hợp giữa NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ; (vii) ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng (NH) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (viii) Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, NHNN hiện đang tập trung hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, tiếp tục phát triển hạ tầng thanh toán nhằm thúc đẩy TTKDTM, thể hiện trên các mặt sau: (i) Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn; Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ; (ii) Các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng như eKYC, QR code, thanh toán không tiếp xúc,... ; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế…;
(iii) Nhằm thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công, NHNN đã hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo toàn ngành ngân hàng tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). NHNN đã chỉ đạo Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam- NAPAS (với vai trò là tổ chức chuyển mạch), cho phép kết nối thanh toán trực tiếp qua Cổng DVCQG với tất cả các tổ chức tín dụng/trung gian thanh toán có nhu cầu. Nhờ đó, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ.
Thứ ba, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song hoạt động TTKDTM tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 4/2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 nghìn POS và hơn 19 nghìn ATM. Tính đến cuối tháng 4/2021 giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được NHNN và các TCTD triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng, phối hợp đồng bộ với các trụ cột khác như xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ số…
H. Kim
Theo Nhịp sống kinh tế
Đăng nhận xét