Cứu ngân hàng 0 đồng: Nên “buông tay” thay vì “cứu trợ”?
Cách dùng “tiền tốt” để cứu “tiền xấu” thường là không đi đến đâu và rồi tiền tốt cũng theo chân tiền xấu, khả năng phục hồi thành công cho những ngân hàng yếu kém là rất thấp...
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2018/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng , trong bối cảnh nguồn lực đất nước bị giới hạn do nền kinh tế khó khăn vì đại dịch Covid-19, cần "buông tay" hơn là "cứu trợ".
Theo dự thảo Thông tư thay thế, thời gian vay đặc biệt của tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả được điều chỉnh xuống dưới 12 tháng thay vì 24 tháng như trước kia và phải có tài sản đảm bảo đối với các khoản vay đặc biệt. Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới này?
Việc cung cấp những khoản vay đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt nhằm mục đích hỗ trợ những ngân hàng yếu kém trên thị trường có thể phục hồi trở lại. Tuy vậy, việc điều chỉnh thời gian vay đặc biệt và bổ sung thêm quy định về tài sản đảm bảo đối với các khoản vay đặc biệt cho thấy động thái thắt chặt các ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước dành cho các ngân hàng yếu kém trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.
Ở đây, tôi muốn lưu ý tới quy định mới được bổ sung vào dự thảo. Đó là các khoản vay đặc biệt phải được đảm bảo bằng tài sản bảo đảm. Tài sản bảo đảm ở đây chủ yếu là giấy tờ có giá và quyền đòi nợ. Tuy nhiên, phương cách này chỉ có ý nghĩa nếu ngân hàng yếu kém có khả năng phục hồi sau khi NHNN cho vay mới để hỗ trợ thanh khoản ngân hàng này và tránh cho ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và vỡ nợ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu. |
Cách dùng “tiền tốt” để cứu “tiền xấu” (Good money to save bad money) như trong giới ngân hàng Mỹ thường ví von, thường là không đi đến đâu và rồi tiền tốt cũng theo chân tiền xấu.
Điều này có nghĩa rằng vẫn có những cơ hội để vực dậy các ngân hàng 0 đồng, các ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, thưa ông?
3 ngân hàng được nhà nước mua với giá 0 đồng |
Dĩ nhiên, triển vọng là có nhưng rủi ro rất lớn. Hơn 6 năm nay với ba ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, chúng ta đã dồn lực để “cứu chữa” nhưng các ngân hàng này vẫn không thể gượng dậy và đứng vững trên thị trường. Vì vậy, chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc các tổ chức tín dụng yếu kém này sẽ “khỏe” trở lại khi chỉ dựa vào những khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước. Cách dùng “tiền tốt” để cứu “tiền xấu” (Good money to save bad money) như trong giới ngân hàng Mỹ thường ví von, thường là không đi đến đâu và rồi tiền tốt cũng theo chân tiền xấu. Theo tôi, có lẽ lúc này chúng ta nên tính tới phương án khác khi xác suất để phục hồi thành công cho những ngân hàng yếu kém là rất thấp, nhất là khi dịch bệnh đang hoành hành và làm điêu đứng những ngân hàng đang rất yếu kém.
Tức là các ngân hàng yếu kém buộc phải phá sản?
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trước khi các tổ chức tín dụng yếu kém buộc phải phá sản, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện hỗ trợ các tổ chức này bằng các khoản vay đặc biệt. Vì vậy, dự thảo mới được đưa ra có lẽ là hướng tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có lẽ không cần phải “vươn tay” để cứu trợ các tổ chức tín dụng yếu kém trên thị trường bởi đã hơn 5-6 năm nay, quá trình phục hồi vẫn “dậm chân tại chỗ”, mọi cố gắng của cơ quan quản lý dường như đã không có hiệu quả. Vì vậy, đây là lúc để các quy luật kinh tế thị trường tự vận hành và để thị trường đào thải các ngân hàng yếu kém. Hãy để các ngân hàng được phá sản dựa trên những quy định pháp luật hiện hành.
Chúng ta hãy nhìn xem, trong bối cảnh đất nước đang khó khăn do dịch bệnh, nhiều thành phần kinh tế cần hơn sự hỗ trợ của Chính phủ như các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Tp.HCM, Bình Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng GRDP của địa phương và GDP của cả nước. Các công ty du lịch, các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải lao đao vì khó khăn, bà con nông dân không thể bán được nông sản...
Hơn nữa, nguồn lực Chính phủ có hạn nên tổ chức tín dụng sau khi được đánh giá không có khả năng để phục hồi thì cũng không cần tới biện pháp cho vay đặc biệt. Chính sách này chỉ áp dụng đối với trường hợp có thể cứu vớt được thôi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng và một vài ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, có lẽ, cơ quan quản lý cần phải “buông tay”.
Liệu rằng việc “buông tay” này có tác động xấu tới thị trường tài chính – tiền tệ nhiều biến động như hiện nay không, thưa ông?
Chắc chắn là có. Nhưng thị trường, theo tôi, có lẽ đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho điều này nên tác động tới thị trường là không nhiều. Giá cổ phiếu ngành ngân hàng trong thời gian gần đây tăng rất nhanh, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường là rất lớn. Loại bỏ ngân hàng yếu kém ra khỏi thị trường thậm chí còn tạo thêm lòng tin thị trường vào ngành này.
Việt Nam chưa có tiền lệ về việc phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém. Vậy việc phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém có khó khăn không, thưa ông?
Như tôi đã nói, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có quy định liên quan tới hỗ trợ đặc biệt và phá sản vì vậy Ngân hàng Nhà nước có thể bám theo các quy định này cùng các quy định liên quan khác để thực hiện phá sản ngân hàng. Thế giới cũng đã có những vụ phá sản ngân hàng, chúng ta có thể tìm hiểu, tham khảo cách làm của họ.
Tuy nhiên, ở đây tôi muốn lưu ý một điều. Đó là Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể đóng cửa ngân hàng, còn cho phép ngân hàng phá sản thuộc thẩm quyền Tòa án. Ở một số quốc gia trên thế giới, trong khi Ngân hàng Nhà nước đóng cửa các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng này sẽ được đổi tên thành ngân hàng khác để tiếp tục xử lý các công việc liên quan tới trả tiền cho người lao động, thanh lý tài sản, hoàn thành các nghĩa vụ với Chính phủ, trả tiền cho cổ đông...
Ví dụ, khi một ngân hàng tại Mỹ bị FDIC (Công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang) tuyên bố đóng cửa, thì FDIC tiếp quản ngân hàng và đổi tên ngân hàng và tiếp tục điều hành ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhưng đồng thời FDIC tiến hành thủ tục phá sản cho ngân hàng này, nếu không thấy có khả năng phục hồi. Nếu toà án tuyên bố phá sản thì toà án sẽ giao ngân hàng này cho một chuyên gia hay một cơ quan tiếp nhận để thanh lý tài sản do toà án chỉ định, được gọi là “Receivership”. Việc phá sản được thực hiện dưới sự giám sát, kiểm soát ngặt nghèo từ các cơ quan quản lý nhằm tránh tạo ra những xáo trộn cho thị trường.
Ngoài ra, ở một số quốc gia, cơ quan tiếp nhận có thể thực hiện nghiệp vụ bán toàn bộ ngân hàng yếu kém cho ngân hàng khác, cũng có thể bán từng phần như bán bất động sản, bán nợ, bán các khoản tiền gửi cho các nhà đầu tư quan tâm. Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác cho một loại giao dịch đặc thù mà Việt Nam chỉ có trên giấy trắng mực đen mà chưa bao giờ thực trong thực tế.
Theo quy định tại dự thảo, với các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nói trên, Thông tư mới quy định khi vay tại NHNN bên đi vay phải sử dụng tài sản bảo đảm theo một thứ tự ưu tiên nhất định.
Thứ nhất, tài sản đảm bảo là giấy tờ có giá bao gồm: tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ (gồm: tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, công trái xây dựng Tổ quốc); trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (gồm: trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn); trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng phát hành;
Thứ hai, trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc), ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là ngân hàng thương mại nhà nước);
Thứ ba, cầm cố trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng thương mại quy định tại điểm b Khoản này) và doanh nghiệp khác;
Thứ tư, quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với cá nhân, tổ chức (trừ tổ chức tín dụng).
Về tỷ lệ giữa giá trị các tài sản bảo đảm còn lại và số tiền cho vay đặc biệt thì tối thiểu phải là 170%.
Theo Ngân Hà
Vneconomy
Đăng nhận xét