Hiện tượng bỏ cọc đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất liên tục diễn ra tại tỉnh Bắc Giang vừa qua đang đặt ra câu hỏi: phải chăng cơn sốt giá đất đang dần "hạ nhiệt"?


Theo thông tin từ UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thì quả rà soát, đến thời điểm này, toàn huyện còn 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Theo thông tin từ Báo Bắc Giang thì các lô đất trên có diện tích từ 90 m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô. Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Trước đó, theo thông tin từ Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bắc Giang (Bắc Giang), trong tháng 10, 11/2020 toàn thành phố Bắc Giang tổ chức 3 phiên đấu giá đất. Cả 3 phiên này đều có khách hàng bỏ cọc. Cụ thể tại các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang, Mỹ Độ và xã Đồng Sơn, Tân Mỹ có 6 lô bỏ cọc với số tiền trúng đấu giá hơn 10,6 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm hơn 5,6 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc là 600 triệu đồng.

Tương tự, thời điểm tháng 10/2020 tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tổ chức tổng cộng 4 phiên đấu giá. Sau rà soát có 4 trường hợp bỏ cọc, không nộp tiền. Trong đó có 3 trường hợp bỏ cọc 3 lô đất tại khu dân cư mới Nham Sơn với tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 8,2 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Ở khu dân cư mới tổ dân phố Kem, Phương Sơn, khách hàng bỏ cọc 1 lô đất, số tiền trúng đấu giá 3,8 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 1,9 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng nhiều phiên đấu giá đất bị "thao túng" để đầu cơ, thổi giá đất. Ảnh: Một phiên đấu giá đất tại Bắc Giang, nguồn: Báo Bắc Giang.

Theo chia sẻ của một chuyên gia BĐS với Diễn đàn Doanh nghiệp hiện tượng trên có thể do trong các phiên đấu giá của mảnh đất đã bị đẩy lên cao và không loại trừ trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng. Khi đó, đất được mua chỉ để được bán lại, nhà đầu tư kỳ vọng có thể dùng "đòn bẩy tài chính" vào cọc và lướt sóng bán ngay suất mua mảnh đất vừa trúng đấu giá. Tuy nhiên, khi kế hoạch không như ý thì họ sẽ lựa chọn bỏ cọc thay vì phải vào cả mấy tỷ đồng để bị "chôn vốn". Như vậy, có thể thấy với các biện pháp mà các Bộ ngành, địa phương đang áp dụng thì dường cơn sốt giá đất đang có phần "hạ nhiệt", vị chuyên gia nhận định.

Về vấn đề này, chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã từng nhận định trong hoạt động đấu giá đất hiện nay tại các địa phương thì hầu hết người tham gia đấu và trúng lại không phải là người dân có nhu cầu thật về nhà ở mà chủ yếu là các cá nhân tham gia đầu tư, đầu cơ, có cả người ở địa phương khác đến đầu giá. Tình trạng này đang làm méo mó đi mục đích của việc đấu giá đất và gián tiếp tạo ra những khu đất bỏ hoang sau đấu giá khi các cơn sốt đất qua đi mà bài toán gia tăng đất ở cho cư dân hiện hữu thì vẫn không giải quyết được, GS. Võ chia sẻ.

Đối với vấn đề làm sao đưa đất vào thị trường thông qua đấu giá một các hợp lý nhất, tránh "vô tình" tạo điều kiện cho đầu cơ, thổi giá đất hay nhãn tiền nhất là việc NĐT dù trúng đấu giá đã bỏ cọc, theo các chuyên gia có thể xem xét phương án cấm hoặc hạn chế giao dịch ngay đối với thửa đất vừa trúng đấu giá cũng như đánh thuế nặng nếu sau một thời gian nhất định mà không đưa mảnh đất vào sử dụng. Khi không thể "bám" vào đất đấu giá để đầu cơ, thổi giá thì giá đấu cũng sẽ không bị thổi lên quá cao đến mức "ảo" và điều này sẽ giúp những người dân hiện hữu tại các địa phương có nhu cầu về nhà ở có thể tiếp cận được.


Lê Sáng
Theo Diễn đàn doanh nghiệp