“Nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ dẫn đến những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như cả nước”…

Giá đất tăng nóng nhiều nơi

Thời gian qua, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, giá đất tăng tạo ra những cơn sóng “sốt đất” khó tin.

Đơn cử, theo khảo sát của PV Infonet tại một số khu vực ở Hà Nội như Đông Anh, Long Biên, Thanh Trì… giá đất trong thời gian qua đã tăng chóng mặt.

Từ những mảnh đất nằm ngoài đê tại Long Biên trước đây giá chỉ 20-30 triệu đồng/m2 thì nay đã được đẩy lên 50-60 triệu đồng/m2.

Hay những mảnh đất nông nghiệp mua bán bằng giấy viết tay, giá thấp nhất môi giới cũng 'hô' 12 triệu đồng/m2… Xa hơn nữa, nhiều mảnh đất trong làng, mặt đường lớn ở huyện Đông Anh có giá rao bán dao động 40-70 triệu đồng/m2....

Giá đất ‘nhảy múa’, ‘sốt ảo’… lãnh đạo Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân và cách ‘hạ nhiệt’

Thậm chí tại thôn Dy, xã Minh Quang (Ba Vì), đất nông nghiệp cũng tăng giá vùn vụt, từ vài năm trước giá đất nơi đây chỉ 40 triệu đồng/sào (360m2), sau đó cứ tăng dần lên các mức giá 60 triệu đồng, 100 triệu đồng, rồi 120 triệu đồng/sào, cao nhất là vài trăm triệu mỗi sào, tùy khu vực và diện tích.

Không riêng gì Hà Nội, giá đất nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa... cũng tăng mạnh. Theo đó, tại tại TP Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng... là những nơi có giá đất tăng khoảng từ 50-70% so với cuối năm 2020, hiện giá đất dao động từ 25-40tr/m2.

Tại Hải Phòng, ở các vùng ven thành phố, hoạt động mua bán đất trong dân diễn ra sôi động. Giá hiện tại dao động 8-15tr/m2. So với cuối năm 2020, giá trung bình tăng 60-70%.

Tại Thanh Hóa, từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Đứng trước tình hình này, trả lời PV về tình hình sốt đất tại các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, qua theo dõi của Bộ Xây dựng, quý 1/2021, lượng giao dịch bất động sản chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý 4/2020.

Giá bất động sản cũng có tăng nhẹ, nhất là nhà chung cư cũng tăng từ 5 – 10%. Đặc biệt trong thời gian qua, giá đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận,… đặc biệt, một số nơi có hiện tượng tăng giá đất nền một cách cục bộ nhưng rất nhanh.

“Giá đất tăng khiến nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ và tạo nên những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như trên cả nước”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.

Nguyên nhân gây ‘sốt đất’

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân đã đẩy giá đất lên cao trong thời gian vừa qua là do việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của các địa phương chưa được công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân và doanh nghiệp nên dẫn đến các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản đã lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao.

Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên hoạt động của các ngân hàng đặc biệt là lãi suất ngân hàng, trong đó có lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đều rất thấp. Do vậy, không hấp dẫn người dân gửi tiền.

Việc đầu tư của người dân trên thị trường chứng khoán cũng đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp tham gia vào thị trường chứng khoán cũng đang phải tìm những giải pháp hiệu quả hơn để vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh này.

Do vậy, các nhà đầu tư, người dân, có những nguồn tiền nhàn rỗi có xu hướng đầu tư vào các thị trường BĐS.

Một nguyên nhân khác, do một số địa phương đã có chủ trương tăng giá đất theo lộ trình, hiện nay mức tăng là từ 15-20%. Mặc dù việc điều chỉnh khung giá đất này chưa ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch bất động sản hiện nay nhưng chủ trương tăng giá đất đã ảnh hưởng đến tâm lý và ảnh hưởng đến việc tăng giá BĐS trong thời gian vừa qua.

"Hạ nhiệt" giá đất bằng cách nào?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trước tình hình sốt đất trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh BĐS nhằm tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt là khó khăn về trình tự đầu tư.

Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực BĐS nhằm tránh rủi ro kép trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần tập trung hoàn thiện và phê duyệt các đồ án quy hoạch, chú ý tới các dự án phát triển đô thị, nhà ở, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đảm bảo đầy đủ tính pháp lý cho các dự án BĐS.

Đồng thời, các địa phương phải tổ chức công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất và trục lợi.

“Các địa phương phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, phân lô và bán đất nền ở các khu vực chưa được phép đầu tư; quản lý tốt hoạt động mua đi bán lại các giao dịch BĐS trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất.

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư kinh doanh BĐS không đúng quy định, các dự án “ma”, các dự án không đủ hồ sơ pháp lý kinh doanh BĐS…”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực BĐS hết sức bình tĩnh, cảnh giác với những thông tin đồn thổi, tìm hiểu, xem xét kỹ các hồ sơ pháp lý của các dự án BĐS và chỉ giao dịch với những BĐS có hồ sơ pháp lý rõ ràng, đúng quy định của pháp luật.

Minh Thư
Theo Infonet