Các địa phương trên cả nước đã có dấu hiệu “dứt cơn sốt” đất nền sau thời gian ngắn giá tăng đột biến khắp nơi.

Có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn, giá đất tại nhiều địa phương trên cả nước bỗng lên cơn sốt. Giá đất nền tăng liên tục. Thậm chí có nơi tăng gấp 2- 3 lần chỉ trong một vài tuần. Nhiều cá nhân đổ xô vào đầu cơ, hưởng chênh lệch và đẩy giá lên cao, tạo ra những cơn sóng sốt đất đến khó tin.

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong quý đầu năm đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.

Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.

Hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật cũng diễn ra liên tục trong các tháng đầu năm, như: đất rừng, đất ruộng, vườn…. Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.



Trước tình trạng trên, đến cuối quý 1/2021, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ kiểm soát các hoạt động mua - bán trái quy định pháp luật. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, tạo sóng gây sốt đất để trục lợi. Một loạt lãnh đạo các địa phương đã ra văn bản chấn chỉnh, siết việc giao dịch đất đai bất hợp pháp. Kết quả là trong 2 tuần trở lại đây, tình hình giao dịch đất nền trên thị trường đã chững lại.

Ghi nhận cho thấy, tại Thanh Hoá – địa phương có thể gọi là "sục sôi" trong cơn sốt đất vừa qua đã có dấu hiệu lắng xuống. Cách đây vài tuần, tình trạng môi giới liên tục "chốt nền" trong ngày, rồi NĐT bán qua tay kiếm chênh hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng vẫn diễn ra thì hiện tại đã có dấu hiệu giảm.

Trước tình trạng "sốt" đất khắp nơi trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành văn bản chỉ đạo nhằm ổn định thị trường bất động sản, tránh đầu cơ, gây sốt đất ảo.

Trong văn bản nêu rõ, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (tập trung chủ yếu tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh...) đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới BĐS. Họ lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản. Họ còn lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. Từ đó, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tham gia hoạt động giao dịch bất động sản.

Nhằm minh bạch, tránh hiện tượng bong bóng, sốt ảo, thổi giá đất để trục lợi, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS trên địa bàn... cũng từ thời điểm này, cơn sốt đất nền bắt đầu "hạ nhiệt".

Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng vào cuộc để bàn cách hạ sốt cơn đất. Một số văn bản khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ xây dựng đã được đưa ra nhằm chấn chỉnh tình trạng sốt ảo BĐS trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Sinh Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh BĐS để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là tháo gỡ về mặt trình tự, thủ tục đầu tư. Theo đó, khuyến cáo người dân chỉ nên giao dịch với các dự án pháp lý rõ ràng.

Từ các thông tin này, khoảng 1-2 tuần này đất nền có dấu hiệu "hạ nhiệt", ở một số điểm nóng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, sang tay ồ ạt như trước, giá cũng đã có dấu hiệu chững lại.

Nhiều dự báo cho rằng, sau cơn sốt đất "điên đảo" khắp cả nước, thời gian tới sẽ diễn ra tình trạng bán tháo, cắt lỗ ở phân khúc đất nền.

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong thời gian tới, với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất trong quý 2/2021 sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý 1. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ. Theo đơn vị này, đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên, sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.

Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế