Nhiều dư địa cho tín dụng tiêu dùng
Để thu hút khách hàng, thời gian qua, nhiều NHTM đã thiết kế các sản phẩm cho vay tiêu dùng riêng, đa dạng, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt.
Tín dụng tiêu dùng tăng giúp đẩy lùi tín dụng đen
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập của người dân chịu nhiều ảnh hưởng khiến nhu cầu vay tiêu dùng cũng giảm sút. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91% và thuộc nhóm cao hàng đầu trên thế giới. Kéo theo đó, thị trường tiêu dùng của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương.
Dự báo về thị trường cho vay tiêu dùng 2021, PGS.TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, nếu tăng trưởng kinh tế năm 2020 ở mức 2,91% thì năm 2021 dự kiến đạt mức tăng trưởng hơn 6%. Điều này cho thấy tiêu dùng và cho vay tiêu dùng sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt.
Theo nhiều chuyên gia, cho vay tiêu dùng sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt trong thời gian tới |
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập sụt giảm thì cho vay tiêu dùng là yếu tố quan trọng kích tăng tổng cầu trong nước. Hoạt động bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng trong toàn xã hội sẽ tăng lên. Nói cách khác, cho vay tiêu dùng kích thích sản xuất, góp phần tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phục vụ hoạt động sản xuất hay đầu tư.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi thị trường tài chính tiêu dùng phát triển sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa bán được, tạo điều kiện cho người mua hàng cần vay tiền mua được. Khi đó, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và những tác động của nó cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, nhiều ngành nghề giảm doanh thu, lao đao vì dịch bệnh, nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, thất nghiệp. Thời điểm này, không ít người rơi vào “bẫy” của tín dụng đen, các ứng dụng cho vay qua mạng lừa đảo... gây ra những hệ lụy khó lường.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân vẫn rất lớn, tuy nhiên nhiều người vẫn tìm đến tín dụng đen.
“Một số thống kê cho thấy, hiện có khoảng 47% người dân tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen. Tôi cho rằng, một khi tín dụng tiêu dùng phát triển, đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ, thì tín dụng đen, tín dụng ngầm sẽ bị thu hẹp, các hệ lụy và bất ổn trong đời sống xã hội nhờ vậy cũng sẽ giảm bớt”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Hiện mức lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM, công ty tài chính thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 100%-360%/năm của tín dụng đen. Tuy nhiên, để vay vốn của các NHTM, người vay thường phải thực hiện các thủ tục, phải đáp ứng một số điều kiện và phải sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đây cũng là một trong những lý do khiến tín dụng đen vẫn còn tồn tại.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định, để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tín dụng đen, bên cạnh sự nhất quán vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng phải luôn sẵn sàng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
“Ngành Ngân hàng đang tích cực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Nếu là những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân thì ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho người dân vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đa dạng, linh hoạt phương thức vay
Mới đây, NHNN đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM, tạo nguồn tiền dồi dào tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Để thu hút khách hàng, thời gian qua, nhiều NHTM đã thiết kế các sản phẩm cho vay tiêu dùng riêng, đa dạng, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt.
Theo đại diện HDBank, từ tháng 3 đến hết tháng 6/2021, ngoài hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, xe ô tô và tiêu dùng tại HDBank có thể vay từ 200 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, với thời hạn vay tối thiểu 24 tháng, lãi suất ưu đãi 6%/năm trong 6 tháng đầu và 9%/năm trong 6 tháng tiếp theo…
Bên cạnh đó, HDBank còn triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua ngân hàng số như: vay online - duyệt hồ sơ qua App HDBank, phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC) trên App HDBank… giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc giao dịch mà không phải đến ngân hàng.
BIDV cũng đang có gói cho vay 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7%/năm trong 6 tháng đầu và cộng thêm biên độ 0,5%-2%/năm, sau thời gian ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân.
Ngân hàng này cũng đang triển khai sản phẩm vay trả góp mang tên “Vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo” với những ưu điểm nổi bật như: không cần tài sản đảm bảo cho khoản vay; hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng; thời hạn cho vay dài tối đa 84 tháng giúp khách hàng giảm bớt áp lực trả nợ; lãi suất cạnh tranh tính trên dư nợ giảm dần; thủ tục vay đơn giản, thuận tiện; thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng từ 1 - 3 ngày làm việc…
Để kích cầu tiêu dùng, tại VPBank, khách hàng chỉ mất 5 phút đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên ngân hàng điện tử của ngân hàng này mà không cần bất kỳ hồ sơ giấy tờ nào; giải ngân online chỉ sau vài phút; hạn mức vay từ 10-100 triệu đồng với kỳ hạn vay từ 6-60 tháng; lãi suất vay dao động từ 15,99%/năm tính trên dư nợ giảm dần.
Tương tự, khách hàng vay tiêu dùng tại Techcombank cũng không cần tài sản đảm bảo hay tiền thế chân, vẫn được vay tối đa lên tới 10 tháng thu nhập thực tế (không vượt quá 300 triệu đồng), thời gian vay linh hoạt từ 6-60 tháng, tùy vào khả năng tài chính của khách hàng…
Mới đây, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 NHTM (VietinBank, ACB, Sacombank, Viet Capital Bank, BaoVietBank, HDBank và VietBank) cũng vừa ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa của các ngân hàng.
Loại hình thẻ này được các ngân hàng đưa ra nhằm kích cầu tiêu dùng; khách hàng được chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi suất lên tới 55 ngày. Chủ thẻ giao dịch trong hạn mức do ngân hàng phát hành thẻ quy định, có thể lên tới 100 triệu đồng.
Đặc biệt, chủ thẻ có thể rút tiền mặt tại các cây ATM trên toàn quốc với mức phí chỉ khoảng 1,1%-1,3% giá trị giao dịch. Mức phí rút tiền mặt này thấp hơn nhiều so với những loại thẻ tín dụng quốc tế các NHTM đang áp dụng hiện nay là 4% giá trị giao dịch…
Thái Hoàng
Đăng nhận xét