Ngân hàng tự động: Nhân tố mới trên đường đua số hóa
Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc đua tiến tới ngân hàng số của các nhà băng ngày càng khốc liệt. Để giành ưu thế trên đường đua, mỗi ngân hàng đều đang nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Trong đó, hệ thống ngân hàng giao dịch tự động đang trở thành nhân tố nổi bật hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng mới trong thời gian tới.
Trải nghiệm hoàn toàn mới
Gần đây nhất, vào cuối năm 2020, hai ngân hàng là VietinBank và MB đã chính thức điền tên mình vào danh sách các ngân hàng phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch tự động thông qua việc ra mắt hai hệ thống R-ATM và Smart Bank. Trước đó, các ngân hàng như VPBank, Agribank, Techcombank cũng đã phát triển hệ thống này.
Phải kể đến từ năm 2017, TPBank đã cho ra mắt hệ thống LiveBank của riêng mình. Theo thống kê của ngân hàng này, từ 50 điểm ban đầu, hiện nay TPBank đã đưa vào vận hành hơn 330 điểm LiveBank toàn quốc. Tổng số lượng tài khoản và thẻ mở mới của LiveBank năm 2020 là 215.000, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp 5 lần và số dư có kỳ hạn tăng 30%. Số lượng giao dịch tăng 130% với con số ấn tượng 7 triệu giao dịch năm 2020, với giá trị giao dịch 33 nghìn tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2019.
Ngân hàng tự động đang trở thành xu hướng mới hiện nay. Ảnh: ST |
Thực tế cho thấy, sự ra đời của hệ thống ngân hàng giao dịch tự động đã giúp người dùng được trải nghiệm những tiện ích vượt trội và mới lạ.
Chị Hoàng Vân Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây nếu muốn mở tài khoản ngân hàng, chị phải ra quầy giao dịch truyền thống. Mặc dù có một số ngân hàng đã cho phép đăng ký thông tin mở thẻ online, tuy nhiên sau đó vẫn phải ra quầy để nhận thẻ hoặc nhận thẻ tại nhà sau khoảng 1 tuần.
Tuy nhiên, kể từ khi biết tới LiveBank, chị Vân Anh đã có thể mở thẻ tại quầy giao dịch tự động và nhận lại thẻ chỉ sau 5 phút.
“Tại LiveBank, mình chỉ cần thao tác rất nhanh là có thể sở hữu một tấm thẻ ngân hàng. Hơn nữa, thời gian mở thẻ không cần trong giờ hành chính mà có thể mở bất cứ lúc nào. Điều này rất thuận tiện và đem lại cho khách hàng một trải nghiệm hoàn toàn mới”, chị Vân Anh chia sẻ.
Không chỉ vậy, bên cạnh chức năng rút tiền của một ATM truyền thống, đối với LiveBank của TPBank, khách hàng còn có thể nộp tiền trực tiếp với mức tối đa mỗi lần lên tới 500 triệu đồng. Ưu việt hơn nữa, thông qua hệ thống này, khách có thể nộp tiền mặt vào tài khoản của các ngân hàng khác tại bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Ngoài ra, các chức năng như thanh toán hóa đơn, phát hành lại thẻ, tất toán sổ tiết kiệm, đăng ký thẻ tín dụng, bảo hiểm… đều có mặt đầy đủ trên hệ thống ngân hàng tự động này.
Tại VietinBank, máy R-ATM cho phép khách hàng nộp tiền với hạn mức 100 triệu đồng/lần (không quá 200 tờ) và không giới hạn số lần nộp tiền trong ngày. Đặc biệt, cùng với khả năng nhận diện và phát hiện tiền giả, tiền kém chất lượng theo quy định của NHNN, máy R-ATM còn có thể theo dõi, lưu lại hình ảnh số series của những tờ tiền giả, tiền kém chất lượng lưu thông. Qua đó, khách hàng cũng như ngân hàng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, tra soát khiếu nại.
Đối với SmartBank của MBBank, mô hình ngân hàng giao dịch tự động này cũng hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch mà từ trước đến nay chỉ có thể thao tác tại quầy.
Theo đại diện TPBank, đến nay, trên 2/3 giao dịch của ngân hàng được thực hiện tại LiveBank. Trong đó, khoảng 60% giao dịch tại LiveBank diễn ra ngoài giờ hành chính và luôn nhận được tư vấn bởi nhân viên từ xa, giúp tiết giảm một lượng lớn chi phí nhân sự, quản lý và tối ưu thời gian, tiền bạc cho khách hàng.
Thúc đẩy tiến trình ngân hàng số
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng chuyển đổi số trong ngân hàng là một điều tất yếu và các nhà băng Việt vẫn đang nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ một “ngân hàng số đúng nghĩa” trong tương lai.
Minh chứng là các nhà băng đang không tiếc tiền để đầu tư công nghệ, đổi mới dịch vụ, số hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, chính chuyển đổi số sẽ giúp ngân hàng tiếp cận với khách hàng một cách dễ dàng hơn và với chi phí rẻ hơn.
Về vấn đề này, chia sẻ trong hội thảo gần đây về ngân hàng số, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: Thông thường mỗi năm, một ngân hàng truyền thống trung bình chỉ mở được khoảng 5 - 6 phòng giao dịch, trong khi mô hình ATM hay LiveBank hoạt động gần như một phòng giao dịch tự động lại không bị giới hạn về tốc độ mở và thời gian phục vụ.
Hay như đối với ứng dụng tiết kiệm, tốc độ tăng trưởng khách hàng của ngân hàng tự động so với một chi nhánh truyền thống là 100 lần, khoảng 70.000 - 80.000 khách hàng mới/tháng; năng suất huy động cũng tăng đáng kể, khoảng 150 tỷ đồng/tháng...
Ngoài ra, LiveBank còn giúp chi phí giao dịch và vận hành ở mức thấp. Cụ thể, theo số liệu của một ngân hàng cho biết chi phí bình quân cho một giao dịch tại một chi nhánh truyền thống là khoảng 23.000 đồng, nhưng với LiveBank chi phí này chỉ còn hơn 11.000 đồng/giao dịch.
Chính vì vậy, ngân hàng tự động được dự đoán sẽ trở thành một xu thế tất yếu của các ngân hàng. Nơi người dùng được trải nghiệm mọi dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Quỳnh Trang
Đăng nhận xét