Mùa này, nhà nước điều tiết giảm lãi suất ngân hàng để kích thích kinh tế. Lãi suất tiết kiệm/tiền gởi của ngân hàng lớn/uy tín chỉ ở mức 6%/năm. Vàng thì quá rủi ro (các bạn đọc các bài gần đây tôi viết về vàng). Bất động sản thì cần số tiền lớn và cũng cần hiểu biết. Chứng khoán, nếu đầu tư dài hạn vào cổ phiếu tốt, thì là kênh đầu tư cực tốt, nhưng phải cần kiến thức vững vàng. (Không hiểu biết thì đừng đầu tư chứng khoán theo người khác bàn, theo hên xui may rủi, và đặc biệt là đừng lướt sóng).

Vậy mùa này làm gì, để tiền, đặc biệt là tiền ít – vài triệu, vài chục triệu, vài trăm triệu, có thể sinh ra tiền mà rủi ro không quá cao. Bài này sẽ giúp cho các bạn của LMC một số công cụ cơ bản, dễ thực hiện nhé.

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP.

Để kinh doanh, các doanh nghiệp cần có 2 nguồn vốn. Nguồn vốn thứ nhất là Vốn chủ sở hữu, do các công đông góp vốn (nếu công ty chưa lên sàn chứng khoán), hoặc mua cổ phiếu (nếu công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán). Nguốn vốn thứ hai là vốn vay do các doanh nghiệp vay từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, hoặc/và phát hành trái phiếu để vay từ những cá nhân, tổ chức mua trái phiếu.

Như vậy khi mua trái phiếu của 1 doanh nghiệp thì bạn là chủ nợ của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp có trách nhiệm trả cho bạn tiền lãi và tiền gốc mua trái phiếu

Ví dụ doanh nghiệp A phát hành trái phiếu mệnh giá 10.000.000 đồng, lãi suất 9%, thời hạn 3 năm. Chị B mua 1 trái phiếu này. Chị B sẽ trả cho doanh nghiệp A số tiền 10 triệu đồng. Số tiền này doanh nghiệp A dùng cho hoạt động kinh doanh của mình. Và khi đó doanh nghiệp A có trách nhiệm phải trả chị B số tiền lãi là 900.000 hàng năm, và số tiền gốc 10 triệu khi trái phiếu đáo hạn vào 3 năm sau.

Theo luật, doanh nghiệp A, bất kể tình hình kinh doanh tốt hay không, phải có nghĩa vụ trả cho chị B các số tiền trên, đúng số tiền, và đúng thời gian. Nếu doanh nghiệp A bị phá sản thì tài sản của doanh nghiệp A sẽ được thanh lý để trả cho chị B và các chủ nợ khác. Phần tài sản còn lại của doanh nghiệp, sau khi trả hết các loại nợ, là của cổ đông.

Đối với trái phiếu thì “rủi ro không đạt tỷ suất lợi nhuận” là hầu như bằng không, vì doanh nghiệp phải trả đúng lãi suất của trái phiếu. Trong khi đó “rủi ro mất hẳn vốn” là hiện hữu. Rủi ro này sẽ rất thấp khi chúng ta mua trái phiếu của doanh nghiệp bền vững, và sẽ cao khi chúng ta mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh không tốt, tài chính không vững mạnh.

Vì thế chúng ta chỉ mua trái phiếu của doanh nghiệp uy tín, kinh doanh tốt, tài chính vững vàng. Nói chung là doanh nghiệp không có khả năng “phá sản” trong thời gian chúng ta giữ trái phiếu của họ. Để giảm rủi ro, các bạn tham khảo chỉ nên mua trái phiếu của các doanh nghiệp:

- Đã niêm yết trên sàn, tức là đã được xác nhận kinh doanh tốt, và liên tục được sở chứng khoán, ủy ban chứng khoán, công chúng “soi”

- Có Chủ tịch HĐQT, Ban quản trị là những người uy tín, không có điều tiếng gì về hành vi đạo đức kinh doanh (check Google).

- Có năng lực cạnh tranh kinh doanh tốt. Bạn phải hiểu biết sơ bộ về ngành mà doanh nghiệp đó kinh doanh, để yên tâm rằng doanh nghệp đó đang kinh doanh hiệu quả

- Tài chính vững vàng. Các bạn lên Cafef tìm tên doanh nghiệp, và xem các con số sau: Doanh số, lợi nhuận trong 4 năm quá (2016-2019): tăng trường hoặc ổn định. Tỷ suất lợi nhuận trêm vốn chủ sở hữu ROE của 4 năm nên lớn 10%, Tỷ lệ nợ trên tài sản (DAR) không quá 80%.

Đáp ứng được những điều kiện đó thì bạn có thể mua thời hạn 1 năm.

Những doanh nghiệp đáp ứng được những điều tôi nói bên trên thì lãi suất chỉ ở mức: 8%-11%/năm. Theo tôi, các bạn nên thận trọng khi mua những doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn 11%/năm. Vì những doanh nghiệp đó có tiềm ẩn rủi ro cao hơn nên họ phải trả lãi suất cao hơn thì mới có người mua trái phiếu của họ.

Còn nếu bạn tin chắc rằng doanh nghiệp trả lãi suất cao 12%, 15%, 17%/ năm đó, không có rủi ro về dòng tiền, và không phá sản trong thời gian ngắn thì bạn có thể mua. Miễn là bạn “lượng hóa” được rủi ro mà bạn đang đối diện.

Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên ưu tiên mua trái phiếu có kỳ hạn 1 năm. Nếu mua trên 1 năm thì doanh nghiệp ấy phải cực tốt, cực vững vàng.

Lưu ý: khi mua trên 1 năm, thì hàng năm khi nhận tiền lãi từ doanh nghiệp, bạn nên tiếp tục đầu tư tiền lãi đó. Nếu bạn tiêu dùng, hoặc cất đi mà không đầu tư tiền lãi đó, thì xem như bạn đã bỏ đi hiệu quả thần kỳ của lãi suất kép. Tiền của bạn sẽ không sinh ra nhanh được. Bạn nên nhớ rằng, trong thời gian tích lũy đầu tư, tất cả tiền bạn tiết kiệm được và tiền lãi sinh ra phải đang được đầu tư để luôn sinh ra tiền.

Đối với những bạn đầu tư cổ phiếu theo phương pháp danh mục đầu tư, thì trái phiếu là 1 công cụ giảm rủi ro cho danh mục đầu tư. Ví dụ 1 danh mục đầu tư cổ phiếu đang có tỷ suất lợi nhuận là 25%/năm, rủi ro (độ lệch chuẩn) là 19%, nếu đầu tư 70% cổ phiếu, 30% trái phiếu có thể đạt mực tỷ suất lợi nhuận là 20%/năm, rủi ro (độ lệch chuẩn) là 16%.

Bạn nên mua trái phiếu từ những nhà phân phối uy tín. Lý do thứ nhất, những nhà phân phối này (công ty chứng khoán, ngân hàng) đã thẩm định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, giúp giảm rủi ro. Lý do thứ hai, họ sẽ hỗ trợ thanh khoản cho trái phiếu trong trường hợp người mua trái phiếu cần tiền, muốn thoát ra trước kỳ hạn. Các bạn lên Google tìm kiếm: trái phiếu HSC, trái phiếu VnDirect, trái phiếu Techcombank, rồi email hay gọi điện cho nhân viên hỗ trợ nhé.

HSC là công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, VNDirect là Công ty chứng khoán VNDirect, Techcombank là Ngân hàng TMCDP Kỹ Thương Việt Nam.

CHỨNG CHỈ QUỸ ĐẦU TƯ MỞ

Các công ty quản lý quỹ đầu tư do Ủy ban chứng khoán VN cấp giấy phép, và giám sát, được phép tạo quỹ để huy động vốn từ cá nhân và đem đi đầu tư. Quỹ có hai loại: quỹ đóng và quỹ mở. Ở đây tôi đang nói về quỹ mở.

Tôi dùng vì dụ đơn giản này để mô tả về cách thức hoạt động của chứng chỉ quỹ đầu tu. Ví dụ công ty quản lý quỹ C tạo ra quỹ mở D, mệnh giá là 10.000 đồng. Có 10 triệu chứng chỉ quỹ được phát hành. Tức là quỹ huy động được 100 tỷ. Quỹ mua cổ phiếu, trái phiếu theo tiêu chí, chiến lược riêng biệt của mình. Và việc lên gia xuống giá của các cổ phiếu, trái phiếu mà quỹ đã mua sẽ tạo ra giá trị của quỹ theo từng thời điểm. Giá trị này gọi là Giá trị tài sản ròng (NAV). Ví dụ giả sử vào thời điểm nào quỹ mở D có giá trị tài sản ròng là 120 tỷ. Khi đó mỗi chứng chỉ quỹ sẽ có giá trị tài sản ròng (NAV) là 120 tỷ/1 triệu chứng chỉ quỹ = 12.000 VNĐ/1 CCQ. Bất cứ người nào đang sở hữu chứng chỉ quỹ D đều có thể bán lại chứng chỉ D này lại cho công ty quản lý quỹ với giá bằng với giá trị tài sản ròng của chứng chỉ quỹ. Với cơ chế này, quỹ mở có tính thanh khoản cao.

Hiện tại trên thị trường có khá nhiều chứng chỉ quỹ mở, ví dụ như chứng chỉ VCBF-TBF, VCBF-FIF, của công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank, Chúng chỉ VFMVF1 của công ty VFM; Chứng chỉ SSIBF, SSI-SCA của công ty SSI, chứng chỉ quỹ TCBF của Techcombank…

Mỗi quỹ có 1 cách đầu tư khác nhau, và đạt tỷ suất lợi nhuận năm khác nhau. Tuy vậy, vì trình độ chuyên môn cao của các công ty quản lý quỹ, và vì sự an toàn của công chúng, đa số các chứng chỉ quỹ này có tỷ suất lợi nhuận Trung bình ở mức cao “chấp nhận” được: 8%-12%/năm. “Trung bình” nghĩa là TSLN năm thấp năm cao, chứ không đều đặn như trái phiếu.

Nếu bạn nắm phương pháp đầu tư dài hạn thì bạn có thể tự đầu tư, Nhưng nếu bạn không hiểu sâu về cổ phiếu thì việc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ này giúp tiền các bạn sinh sôi nảy nở ở mức 8%-12%/năm. Rủi ro không cao vì quỹ được quản lý bởi các quỹ đầu tư có uy tín và chuyên môn. Các bạn hãy google các tên chứng chỉ quỹ trên để nghiên cứu và đầu tư.

Chúc các bạn tiếp tục sinh đẻ tiền thanh công. Thân ái.

Lâm Minh Chánh