Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm dịch vụ Tài chính ngày càng đa dạng của giới trẻ rành công nghệ, các Ngân hàng đang chuyển dịch mạnh mẽ lên môi trường số, thể hiện sự nhạy bén qua các dạng nền tảng: Giao dịch Mobile Banking, Ứng dụng Quản lý tài chính cá nhân, Nền tảng quản lý khách hàng Doanh nghiệp…

Trong quá trình đó, chất lượng phần mềm còn là một vấn đề bỏ ngỏ khi nhiều Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để phát triển mới, cải tiến các nền tảng phục vụ kinh doanh, nhưng còn đắn đo trong việc sử dụng giải pháp kiểm thử để dự đoán rủi ro và kiểm định chất lượng của sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Theo tính toán của các chuyên gia Kiểm thử từ KMS Solutions, Kiểm thử phần mềm thường chiếm 10-20% chi phí phát triển phần mềm, tuy nhiên, có thể giúp giảm thiểu hơn 80% rủi ro chính đến từ việc lỗi lập trình, lỗi hệ thống, hoặc đưa ra được những đề xuất giúp tăng trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Theo ông Đỗ Đăng Khánh – Giám đốc mảng Kiểm thử cho ngành Ngân hàng của KMS: "Khác với Việt Nam, có đến 90% các phần mềm được phát triển tại nước ngoài sẽ trải qua quá trình kiểm thử trước khi ra thị trường. Kiểm thử có thể tăng tốc độ phát triển lên đến 2 lần, hạn chế những sai sót và đưa đội ngũ phát triển đi đúng hướng. Thông thường, một rủi ro khi vận hành của ứng dụng, hệ thống trong ngành Ngân hàng có thể làm thiệt hại tới hàng chục tỷ đồng, một con số quá lớn khi so sánh với chi phí kiểm định phần mềm. Đây được xem là bước cuối cùng để đánh giá được sự thành công của việc phát triển nhưng chưa thực sự được chú trọng đúng mức tại thị trường trong nước. Hy vọng trong thời gian tới các Ngân hàng Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực trong việc ứng dụng giải pháp này vào quá trình Chuyển đổi số."

Những thách thức khiến quá trình Kiểm thử phần mềm trong ngành Ngân hàng trở nên phức tạp hơn bao gồm: việc tái hiện các tình huống giao dịch phức tạp với dữ liệu trong thời gian thực để kiểm tra được hiệu quả của Kiểm thử; quản lý dữ liệu trong quá trình kiểm thử cũng như rủi ro không đồng nhất được với các nền tảng hiện có của Ngân hàng; lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh gây mất doanh thu trong quá trình Kiểm thử.

Ngoài ra, những rủi ro kỹ thuật cũng là vấn đề khiến quá trình Kiểm thử trở nên khó khăn như việc đảm bảo tương tác của nhiều hệ thống thông qua một số giao diện và cổng, tự động hóa các kịch bản kiểm thử phức tạp, quản lý môi trường kiểm thử bất chấp những phức tạp liên quan đến hoạt động giao dịch.


Quá trình Kiểm thử trong ngành Ngân hàng có những trở ngại đặc thù do mức độ phức tạp của Hệ thống cùng với lượng dữ liệu khổng lồ của hoạt động Ngân hàng, đòi hỏi chiến lược kiểm thử phù hợp và tay nghề của kỹ sư phải đạt mức độ lành nghề. Kiểm định chất lượng phần mềm cho ngành Ngân hàng cũng yêu cầu một giải pháp toàn diện có thể đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu và hệ thống sau quá trình kiểm tra.

Một số loại Kiểm thử trong mảng Ngân hàng hiện nay đang được thị trường ưa chuộng bao gồm: Kiểm thử cơ sở dữ liệu; Kiểm thử bảo mật; Thử nghiệm chức năng; Kiểm thử tích hợp; Kiểm thử hiệu suất; Kiểm thử hồi quy; Kiểm thử khả năng sử dụng; Kiểm tra trải nghiệm của người dùng trong thực tế.

Đối mặt với những rủi ro không thể lường trước trong quá trình vận hành, phát triển mới hoặc tích hợp các giải pháp công nghệ, kiểm thử phần mềm được so sánh như một gói bảo hiểm cho phần mềm khi đưa các phần mềm, nền tảng số gia nhập thị trường và phục vụ người dùng. Ngành Ngân hàng tại Việt Nam hiện đang trên đà phát triển và có xu hướng đầu tư nghiêm túc vào hoạt động chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều sự hỗ trợ về mặt công nghệ, chiến lược và con người để cải thiện rõ rệt hơn hiệu quả và chất lượng của hoạt động kinh doanh từ các đơn vị tư vấn uy tín.

Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế