Giao dịch di động tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 300% giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo công bố bởi Backbase.
"Dự báo ngành Fintech và ngân hàng số khu vực châu Á – Thái Bình Dương" ấn bản lần 2 do IDC thực hiện dưới sự ủy quyền của nền tảng ngân hàng số đa kênh Backbase cũng cho biết, dẫn đầu là sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán di động.

Theo báo cáo, một cuộc đua mới trong lĩnh vực ngân hàng đang hình thành tại châu Á - Thái Bình Dương. Các ngân hàng đang hoạt động và cả những tên tuổi mới sắp gia nhập thị trường đều sẽ có mặt trong cuộc đua cạnh tranh thị phần, đồng thời tìm cách giành ưu thế trên nền tảng số.

Người dùng một ví điện tử ở Việt Nam tham gia vào chương trình lì xì trực tuyến Tết vừa qua. Ảnh: SmartPay.

Trong khi một số fintech (công ty công nghệ tài chính) và neobank (ngân hàng thế hệ mới vận hành hoàn toàn trên nền tảng số) phải rút lui khỏi khu vực này do thách thức của Covid-19, thì những ngân hàng đương nhiệm tại Việt Nam lại nắm trong tay cơ hội xây dựng tệp khách hàng trung thành và tái kích hoạt hoạt động kinh doanh dài hạn.

Dù vậy, dự báo châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ đón thêm khoảng 100 ngân hàng thế hệ mới vào năm 2025. Tại mỗi thị trường khu vực này, các ngân hàng đương nhiệm sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ ít nhất 2 ngân hàng số. Trong đó, dự tính có đến 30% hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp đe dọa từ những thách thức kỹ thuật số mới.

Để tăng khả năng cạnh tranh, 60% ngân hàng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) để giải quyết các vấn đề dựa trên cơ sở dữ liệu. Riêng tại Việt Nam, ngân hàng lõi và hiện đại hóa hệ thống thanh toán sẽ là hai mối quan tâm chính của top 8 ngân hàng hàng đầu quốc gia, nhằm đón đầu nhu cầu tiêu dùng tăng cao năm 2025.

Một xu hướng tài chính cơ bản khác cũng dần được chú trọng, thậm chí vượt trên cả nhu cầu phát triển những nguồn thu mới, là dịch vụ cho vay. Dự kiến hoạt động cho vay tại Việt Nam sẽ chạm mốc tăng trưởng hai con số mỗi năm kể từ 2021. Những tiềm lực mới về mảng dịch vụ này sẽ có sự góp mặt của các đối tác fintech. Theo IDC, đến giữa năm 2021, 50% các quyết định cho vay trong ngân hàng bán lẻ sẽ được hỗ trợ bởi các lợi ích từ fintech.

Ông Riddhi Dutta, Giám đốc Backbase khu vực Nam Á và ASEAN, nói Covid-19 đã mang lại những thay đổi đáng kể cho lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam và trên toàn châu Á – Thái Bình Dương.

"Các ngân hàng và fintech cần nhanh chóng tiến hành chiến lược kỹ thuật số để giành được thị phần. Đó cũng là lý do báo cáo của chúng tôi nhấn mạnh những lĩnh vực chính đối với các ngân hàng Việt Nam, bao gồm sự tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng di động và cơ hội thúc đẩy dịch vụ cho vay", ông cho biết.

Cũng theo báo cáo, các ngân hàng số trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đã đạt mức tăng trưởng khách hàng cao gấp 3 lần so với ngân hàng truyền thống tính trong năm 2020 và 2019. Các ngân hàng khác trong ngành cũng đã nỗ lực chạm mốc tăng trưởng ít nhất 50% về số lượng giao dịch và tương tác của khách hàng trên nền tảng số. Dự kiến, những sáng kiến chuyển đổi số và tái cơ cấu toàn diện đề án tương tác khách hàng sẽ sớm được các tổ chức khôi phục.

"Những biến động của năm 2020 cho thấy khả năng phục hồi của ngành dịch vụ tài chính, qua đó khẳng định các tổ chức phải nỗ lực để nhạy bén hơn trong việc thấu hiểu khách hàng và định hướng đúng nền tảng", Michael Araneta, Phó chủ tịch IDC Financial Insights khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận xét.

Viễn Thông