Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA), Mobile Money được định nghĩa là một dịch vụ, trong đó, các giao dịch tài chính được thực hiện thông qua điện thoại di động (GSMA, 2010).
1. Khái quát về Mobile Money

Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA), Mobile Money được định nghĩa là một dịch vụ, trong đó, các giao dịch tài chính được thực hiện thông qua điện thoại di động (GSMA, 2010). Hay theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union - ITU), Mobile Money đề cập đến các giao dịch tài chính và dịch vụ có thể được thực hiện bằng thiết bị di động như điện thoại di động hoặc máy tính bảng. Dịch vụ này có thể hoặc không thể liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng (International Telecommunication Union, 2013).

Mobile Money lần đầu tiên được biết đến thông qua M-Pesa - một ứng dụng Mobile Money tại Kenya, M-Pesa được cài đặt trong thẻ SIM của khách hàng và hoạt động trên tất cả các hãng điện thoại. Nhờ vào M-Pesa, Kenya được xem là quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động và nhanh chóng ảnh hưởng đến nhiều nước đang phát triển khác như: Philippines, Nam Phi, Tanzania, Uganda,… (María Paula Subia and Nicole Martinez, 2014).

Sự bùng nổ của dịch vụ Mobile Money trên thế giới trong những năm gần đây đã tạo ra cơ hội mới cho người dân được tiếp cận với nền công nghệ số, đặc biệt đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi phần lớn người dân không có điều kiện tiếp xúc với tổ chức tài chính. Dịch vụ Mobile Money ra đời đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực không thể phủ nhận, giúp cho quá trình thanh toán trở lên nhanh chóng và thuận tiện hơn [1]. Người dân có thể thực hiện giao dịch tài chính mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Mobile Money sẽ xóa bỏ đi những rào cản về điều kiện địa lý, kinh tế, về khoảng cách giàu nghèo, để từ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, dịch vụ tiềm năng này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển cũng như đóng góp vào mức độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Với tham vọng tất cả mọi người đều là một chủ thể của nền kinh tế kỹ thuật số, dịch vụ Mobile Money đang dần chứng minh vị thế quan trọng của mình và mang đến nhiều tiện ích hơn cho khách hàng.

2. Nguy cơ rửa tiền thông qua Mobile Money

Thuật ngữ “rửa tiền” (money laundering) được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới bởi tính phổ biến của hoạt động rửa tiền trong các lĩnh vực và tồn tại ở hầu hết các quốc gia. Theo từ điển Black’s Law thì “Rửa tiền là hành vi chuyển tiền có được một cách bất hợp pháp thông qua người hoặc tài khoản hợp pháp để nguồn gốc của số tiền đó không bị phát hiện ra” (Bryan A. Garner, 2004). Theo pháp luật Việt Nam, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: (1) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự; (2) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; (3) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản (Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012). Như vậy, có thể hiểu rửa tiền là hành vi trái pháp luật nhằm che giấu nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp.


Hành vi rửa tiền là một trong những hành vi vô cùng tinh vi và khó bị phát hiện. Theo đó, Mobile Money dễ dàng bị lạm dụng để thực hiện hành vi rửa tiền bởi những đặc tính của dịch vụ này như ẩn danh, khó kiểm soát và nhanh. Tính ẩn danh thể hiện ở cách sử dụng dịch vụ Mobile Money. Người dùng chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại hay cụ thể là một thuê bao di động, người dùng chỉ phải xác minh danh tính khi đăng ký sử dụng thuê bao di động chứ không thực hiện thủ tục xác minh danh tính khi chuyển tiền hay thanh toán giao dịch. Vì vậy, khi tội phạm rửa tiền có được điện thoại và thông tin thì họ có thể thực hiện hành vi phạm tội của mình một cách dễ dàng. Đồng thời, các giao dịch thông qua dịch vụ Mobile Money cũng khó kiểm soát bởi tính chất của những giao dịch qua Mobile Money thường là số tiền nhỏ và là những giao dịch hằng ngày (giao dịch nhiều lần). Tội phạm rửa tiền có thể tách số tiền lớn ra rồi chuyển khoản thành nhiều lần nhằm che đậy nguồn gốc thực sự của số tiền. Cơ quan chức năng khó có thể phát hiện ra được hành vi phạm tội nếu không có một cơ chế quản lý chặt chẽ. Cuối cùng, sự tiện lợi trong việc chuyển tiền nhanh chóng thông qua Mobile Money, người dùng có thể thực hiện giao dịch ở bất kì nơi đâu và bất kì thời gian nào, tạo cơ hội cho tội phạm thực hiện giao dịch bất hợp pháp. Một người có thể ngồi một vị trí cùng với rất nhiều chiếc điện thoại có thể chuyển tiền qua lại giữa những chiếc điện thoại đó, tạo đường đi phức tạp cho dòng tiền khiến cơ quan quản lý không phát hiện ra được hành vi phạm tội của chúng (Chatain et al., 2011).

Từ những rủi ro nêu trên, có thể thấy loại hình Mobile Money cần phải có một cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ trước nguy cơ rửa tiền của tội phạm thông qua những đặc điểm, tính chất của loại dịch vụ này.

3. Kinh nghiệm của một số nước về phòng, chống rửa tiền khi triển khai qua dịch vụ Mobile Money

Kenya, Philippines và Indonesia là 03 quốc gia có dịch vụ Mobile Money phát triển khá sớm trên thế giới và cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Vì vậy, nhóm tác giả chọn 3 quốc gia này để nghiên cứu và so sánh kinh nghiệm trong việc thiết lập cơ chế pháp lý phòng, chống rửa tiền khi triển khai dịch vụ Mobile Money. Nhìn chung, cơ chế pháp lý về phòng, chống rửa tiền thông qua dịch vụ Mobile Money của 3 quốc gia này tập trung vào 4 khía cạnh: (1) Quy định về định danh khách hàng; (2) Quy định về lưu trữ thông tin khách hàng; (3) Quy định về hạn mức giao dịch; (4) Quy định về giao dịch đáng ngờ và kiểm soát giao dịch đáng ngờ.

3.1. Quy định về định danh khách hàng (Know Your Customer - KYC)

KYC là quá trình một tổ chức nhận dạng và xác minh khách hàng của mình. KYC trong dịch vụ Mobile Money được hiểu là khi các nhà cung cấp dịch vụ tiếp nhận một khách hàng mới, họ phải có khả năng định dạng chính xác khách hàng đó và thu thập đầy đủ thông tin để đánh giá được rủi ro tham gia vào giao dịch tài chính bất hợp pháp của khách hàng. KYC được xem là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để ngăn chặn dấu hiệu tội phạm rửa tiền ngay từ ban đầu.

Tại Kenya, dịch vụ Mobile Money (M-Pesa) ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007 bởi Safaricom - một nhà khai thác mạng di động hàng đầu của quốc gia này. Hiện nay, Kenya đang có 6 nhà khai thác dịch vụ Mobile Money được cấp phép hoạt động với tổng số lượng thuê bao lên đến hơn 32,5 triệu người vào tháng 7 năm 2019 (Communications Authority of Kenya, 2019).

Về cơ chế định danh khách hàng, các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money phải tuân theo Đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya (The Proceeds of Crime and Anti-Money Laundering Act) [2]. Dựa trên những quy định tại Đạo luật này, các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money sẽ yêu cầu thêm các giấy tờ, thông tin cần thiết khác để đảm bảo cho việc xác minh danh tính khách hàng của mình. Chẳng hạn như M-Pesa của nhà khai thác mạng di động Safaricom, khách hàng muốn đăng ký dịch vụ phải trực tiếp đến đại lý M-Pesa hoặc trung tâm bán lẻ Safaricom và cung cấp bản gốc của một trong các giấy tờ tùy thân sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu còn thời hạn (cho bất kỳ quốc tịch nào) và ảnh nhận dạng (photo ID)[3]. Hay dịch vụ Tangaza của công ty Mobile Pay Limited - được đánh giá là dịch vụ chuyển tiền có độ bảo mật cao nhất tại Kenya, những thông tin được ghi nhận lại bao gồm: tên khách hàng, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, ảnh và dấu vân tay. Tất cả các đại lý của Tangaza đều có một PDA (Personal Digital Assistant - Thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân) để ghi lại cũng như lưu trữ thông tin người đăng ký và đầu đọc ngón tay cái cho việc nhận dạng sinh trắc học và định danh khách hàng [4].

Tại Philippines, Ngân hàng Trung ương đưa ra quy tắc về quản lý giấy tờ tùy thân và yêu cầu phải xuất trình giấy tờ để nhận dạng trong quan hệ kinh doanh đã giúp cho các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money tại quốc đảo này có một định hướng rõ hơn trong việc KYC của mình. Theo Thông tư 608 năm 2008 của Ngân hàng Trung ương Philippines, khách hàng lần đầu tiên tham gia vào giao dịch tài chính phải xuất trình được bản gốc và nộp bản sao của ít nhất một loại giấy tờ tùy thân có dán ảnh hợp lệ do cơ quan nhà nước cấp. Đồng thời, giấy tờ tùy thân này phải thuộc danh sách 20 loại giấy tờ tùy thân được Ngân hàng Trung ương Philippines chấp thuận (điển hình như: hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ nghề nghiệp do Ủy ban Quy chế chuyên nghiệp cấp) [5].

Philippines là một trong các quốc gia đi đầu trong việc phát triển dịch vụ Mobile Money trên thế giới. Ngân hàng Trung ương cũng như các nhà khai thác dịch vụ tại quốc gia này dường như rất linh hoạt trong việc tiếp cận và liên tục thay đổi để phù hợp với xu hướng hiện đại. Điển hình như GCASH - mô hình tiên phong trong hoạt động cung cấp dịch vụ Mobile Money của Philippines đã đưa ra 03 cách đăng ký tài khoản khác nhau: (i) thông qua việc gửi tin nhắn trên điện thoại di động (dành cho thuê bao không kết nối được với Internet); (ii) đăng ký online qua ứng dụng GCASH; (iii) đăng ký online qua ứng dụng messenger của Facebook. Tùy theo từng cách đăng ký khác nhau, tổ chức cung cấp dịch vụ sẽ yêu cầu thông tin cần thiết để định danh khách hàng của mình:

Thứ nhất, đăng ký sử dụng dịch vụ GCASH thông qua gửi tin nhắn trên điện thoại di động. Khách hàng cần phải gửi đầy đủ thông tin bao gồm: họ tên, địa chỉ liên lạc, địa chỉ email. Ngay sau đó, khách hàng phải gửi tin nhắn xác nhận lại đó chính là địa chỉ email của mình và cam kết rằng các thông tin đã cung cấp là hoàn toàn chính xác.

Thứ hai, đăng ký sử dụng dịch vụ thông qua GCASH App. Khách hàng cần cung cấp đầy đủ thông tin bao gồm: thông tin cá nhân (như họ tên, địa chỉ liên lạc, ngày sinh, địa chỉ email), scan giấy tờ tùy thân hợp lệ, chụp ảnh khuôn mặt và chữ ký cá nhân.

Thứ ba, đăng ký sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng messenger của Facebook. Khách hàng cần phải gửi tin nhắn đến tài khoản facebook messenger của GCASH và GCASH sẽ yêu cầu cung cấp một vài thông tin như: số điện thoại dùng để đăng ký dịch vụ, họ tên, ngày sinh, tên của địa điểm đang công tác, nghề nghiệp, mã số giấy tờ tùy thân hợp lệ, ảnh chụp mặt trước và mặt sau của giấy tờ tùy thân [6]. Sau khi nhận được thông tin, nhân viên của GCASH sẽ thực hiện cuộc gọi trực tuyến thông qua facebook messenger để xác nhận lại thông tin mà khách hàng đã cung cấp.

Tương tự như Kenya và Philippines, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã ban hành quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng (Bank Indonesia Regulation Number 19/10/PBI/2017). Theo quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, việc định danh khách hàng cần có những thông tin sau: số chứng minh nhân dân, địa chỉ liên lạc, ngày sinh, quốc tịch, số điện thoại, nghề nghiệp, giới tính và nhận dạng sinh trắc học hoặc chữ ký. Sau đó, nhà cung cấp dịch vụ sẽ yêu cầu khách hàng xuất trình một số loại giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ khác cho Chính phủ cấp để xác minh lại những thông tin mà khách hàng đã cung cấp trước đó (Điều 16.(1).a và Điều 16.(2).a của Quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng 2017).

3.2. Quy định về lưu trữ thông tin khách hàng

Lưu trữ thông tin khách hàng là một bước vô cùng quan trọng trong cơ chế phòng chống rửa tiền đối với các giao dịch tài chính, đặc biệt là dịch vụ Mobile Money - với đặc trưng giao dịch dễ dàng và nhanh chóng thì vấn đề lưu trữ thông tin khách hàng cần phải thắt chặt hơn. Sau quá trình định danh khách hàng, các nhà khai thác dịch vụ di động sẽ thống nhất lưu trữ hồ sơ, thông tin khách hàng trong một thời gian nhất định để đảm bảo cho việc kiểm soát giao dịch tài chính sau này cũng như đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp kịp thời thông tin liên quan của khách hàng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại Kenya, các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu của khách hàng ít nhất 07 năm hoặc dài hơn theo yêu cầu của Trung tâm Báo cáo tài chính (Financial Reporting Centre), kể từ thời điểm phát sinh giao dịch hoặc sau khi chấm dứt giao dịch nếu không làm ảnh hưởng đến dữ liệu cần lưu trữ khác. Các tài liệu cần được lưu trữ bao gồm: lịch sử giao dịch và thông tin về định danh khách hàng thu thập trong quá trình KYC (Mục 46.(4) của Đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya 2012).

Tại Philippines, quốc gia này bị đưa vào danh sách đất nước có rủi ro cao về tài trợ khủng bố (2001) của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) và đã được xóa khỏi danh sách theo dõi vào năm 2005 nên các quy định về dịch vụ Mobile Money cũng phần nào được thắt chặt hơn. Theo đó, tất cả dữ liệu giao dịch của khách hàng phải được các nhà khai thác dịch vụ lưu trữ trong vòng 05 năm kể từ ngày phát sinh giao dịch. Đối với tài khoản không còn sử dụng, các thông tin về định danh khách hàng phải được lưu trữ ít nhất 05 năm kể từ ngày chấm dứt giao dịch (Mục 9.(b) của Đạo luật về Phòng chống rửa tiền Philippines 2001, được sửa đổi, bổ sung bởi Đạo luật về Phòng chống và ngăn chặn tài trợ khủng bố Philippines 2012).

Tại Indonesia, các nhà cung cấp dịch vụ phải lưu trữ dữ liệu giao dịch ít nhất 05 năm kể từ ngày phát sinh giao dịch hoặc dài hơn theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Indonesia/cơ quan nhà nước khác theo quy định của pháp luật. Dữ liệu cần được lưu trữ bao gồm: thông tin và giấy tờ xác minh danh tính của khách hàng; kết quả giám sát, phân tích khách hàng; các giấy tờ giao dịch với khách hàng và dữ liệu liên quan đến giao dịch tài chính đáng ngờ (nếu có) (Điều 51 của Quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng 2017).

3.3. Quy định về định mức giao dịch

Theo một báo cáo vào năm 2019 của Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) về tiền điện thoại di động thì có hơn 1,9 tỷ đô la được giao dịch mỗi ngày qua dịch vụ Mobile Money [7]. Mobile Money dường như là một cơ hội vàng cho bọn tội phạm rửa tiền thực hiện những hành vi bất chính của mình, việc quy định về định mức giao dịch là một yêu cầu tất yếu nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các hành vi rửa tiền có thể xảy ra.

Định mức giao dịch (transaction limits) có thể được hiểu là giới hạn giao dịch tối đa mà khách hàng có thể thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money có thể quy định về định mức giao dịch thông qua một số cách sau (GSMA, 2019): (1) Quy định định mức đối với từng giao dịch hoặc số lượng giao dịch giao dịch trong một khoảng thời gian cụ thể (ví dụ: một ngày); (2) Quy định tổng định mức giao dịch cho một ngày, một tháng hoặc một năm; (3) Quy định định mức số dư trong tài khoản giao dịch.

Tại Kenya, khách hàng của dịch vụ Mobile Money không được thực hiện vượt quá 70.000 KSh/giao dịch và tổng giao dịch trong một tháng không được vượt quá 1.000.000 KSh (Mục 43.(1) của Quy định về Hệ thống thanh toán quốc gia Kenya 2014). Điển hình như M-Pesa đã giới hạn định mức giao dịch đối với dịch vụ Mobile Money như sau: số tiền tối đa mà khách hàng có thể thực hiện trên một giao dịch là 70.000 KSh và không được giao dịch quá 140.000 KSh mỗi ngày.

Tại Philippines, các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money sẽ phân chia khách hàng thuộc nhiều cấp độ rủi ro khác nhau tùy thuộc vào dữ liệu mà họ đã cung cấp trong quá trình định danh khách hàng (KYC). Ví dụ như GCASH xếp hạng khách hàng của mình theo 03 cấp độ: Chưa xác minh (Non-verified), Xác minh một phần (Semi Verified) và Xác minh đầy đủ (Fully Verified), khách hàng có mức độ rủi ro thấp sẽ nhận được định mức giao dịch tốt hơn cũng như sử dụng được nhiều tiện ích hơn trong quá trình giao dịch. Về cơ bản, khách hàng không được giao dịch vượt quá 50.000 peso/ngày và 100.000 peso/tháng [8].

Tại Indonesia, vào năm 2018, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã ban hành quy định khách hàng chưa đăng ký tài khoản vẫn có thể sử dụng dịch vụ với giới hạn giao dịch không vượt quá 2.000.000 Rupiah/giao dịch, đối với khách hàng đã đăng ký tài khoản giới hạn giao dịch tối đa là 10.000.000 Rupiah/giao dịch và tổng giá trị giao dịch không vượt quá 20.000.000 Rupiah/tháng (Điều 45 (1), (2) Quy định về tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương Indonesia năm 2018).

3.4. Quy định về giao dịch đáng ngờ và kiểm soát giao dịch đáng ngờ

Giao dịch đáng ngờ được hiểu là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền. Việc nhận diện giao dịch đáng ngờ và kiểm soát các giao dịch này là hoạt động tiên quyết đối với công tác phòng, chống rửa tiền.

Tại Kenya, giao dịch đáng ngờ được hiểu là các giao dịch không hợp pháp, giao dịch không có mục đích kinh tế rõ ràng (Mục 44.(1) của Đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya 2012). Các nhà khai thác dịch vụ phải liên tục theo dõi các giao dịch phức tạp, bất thường và đáng ngờ này, nếu nhận thấy bất kỳ giao dịch nào đang theo dõi có dấu hiệu liên quan đến tội phạm rửa tiền thì báo cáo ngay đến Trung tâm báo cáo tài chính (Financial Reporting Centre) trong vòng 07 ngày kể từ khi sự việc xảy ra (Mục 44 (1), (2) của Đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya 2012 ). Hơn thế, đối với tất cả giao dịch tài chính vượt quá $10.000 hoặc số tiền ngoại tệ có giá trị tương đương, các nhà khai thác dịch vụ cũng cần phải thông báo với Trung tâm Báo cáo tài chính (Financial Reporting Centre) (Mục 34 (1) Quy định hướng dẫn đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya 2013).

Tại Philippines, giao dịch đáng ngờ được định nghĩa là giao dịch không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ đối ứng nào; khách hàng không được định danh chính xác; giá trị giao dịch không tương xứng với năng lực tài chính của khách hàng; giao dịch liên quan đến hoạt động bất hợp pháp;… (Mục (2) của Luật sửa đổi, bổ sung Đạo luật về Phòng chống rửa tiền Philippines 2001). Đồng thời, các giao dịch có giá trị lên đến 500.000 peso cũng được đặt vào diện giao dịch cần theo dõi của cơ quan giám sát và khi phát hiện có giao dịch như trên, các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money phải báo cáo cho Hội đồng chống rửa tiền (Anti-Money Laundering Council) trong vòng 05 ngày kể từ khi xảy ra sự việc (Phần 2.(c) Thông tư 950 năm 2017 của Ngân hàng Trung ương Philippines). Hay thậm chí GCASH - ứng dụng Mobile Money hàng đầu tại Philippines sẽ chặn/đình chỉ tài khoản giao dịch trong trường hợp nhận thấy khách hàng sử dụng GCASH để thực hiện giao dịch đáng ngờ [9].

Tại Indonesia, các nhà khai thác dịch vụ Mobile Money phải báo cáo cho Trung tâm phân tích và báo cáo giao dịch tài chính Indonesia (Financial Transaction Reports and Analysis Centre) các giao dịch tài chính đáng ngờ theo quy định (Điều 55 của Quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng 2017). Giao dịch đáng ngờ ở đây được hiểu là giao dịch trái ngược với những dữ liệu mà khách hàng đã khai báo; giao dịch mà khách hàng từ chối khai báo thông tin theo yêu cầu;… hoặc các giao dịch tài chính vượt quá 100.000.000 Rupiah/số tiền ngoại tệ có giá trị tương đương khi nhà cung cấp dịch vụ nghi ngờ rằng giao dịch này có liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố (Điều 15.(b) và Điều 39 của Quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng 2017).

4. Thực tiễn tại Việt Nam và một số khuyến nghị

4.1. Sự cần thiết xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền khi triển khai dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money thông qua việc dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Có thể nói, đây là một loại hình rất mới tại Việt Nam, mặc dù nó đã xuất hiện tại hơn 90 quốc gia. Vì vậy, bên cạnh những lợi ích mà Mobile Money mang lại thì những thách thức cũng được đặt ra và nguy cơ rửa tiền thông quan dịch vụ này là một trong những thách thức đó. Tội phạm rửa tiền thường lợi dụng những sơ hở trong quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội (Nguyễn Minh Trường, 2018). Chúng tôi cho rằng nguy cơ rửa tiền thông qua Mobile Money tại Việt Nam là rất cao, cụ thể:

Thứ nhất, tại Việt Nam, đã có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể về việc quản lý thông tin của thuê bao di động, bao gồm việc xác minh thông tin khi giao kết hợp đồng tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại rất nhiều thuê bao di động không xác định được thông tin thuê bao, thông tin không đúng, SIM thuê bao được kích hoạt sẵn hay những SIM rác vẫn còn được rao bán tràn lan trên thị trường [10]. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng có quy định nhưng không thể điều chỉnh được này xuất phát từ quá trình thúc đẩy sự phát triển của thuê bao di động ở giai đoạn trước. Dẫn tới có quá nhiều nhà bán lẻ, phân phối sim trên toàn quốc, và việc mua SIM trở nên dễ dàng, đặc biệt là sự xuất hiện công khai của những cửa hàng bán SIM rác [11]. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quá trình quản lý Mobile Money. Bởi lẽ, khi những thuê bao không xác minh danh tính được sử dụng dịch vụ Mobile Money thì tội phạm có thể dùng nhiều thuê bao để thực hiện việc rửa tiền, mà các cơ quan quản lý không thể xác định được thông tin thì sẽ không xác định được các dòng tiền sẽ di chuyển như thế nào và việc rửa tiền cũng sẽ không thể bị phát hiện.

Thứ hai, Việt Nam hiện có khoảng 96 triệu dân nhưng lại sở hữu hơn 125 triệu thuê bao di động. Tỷ lệ sở hữu thuê bao di động trung bình tại Việt Nam là 1,3 thuê bao trên mỗi người dân[12]. Quy định tại Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng gián tiếp cho phép mỗi người được sở hữu nhiều thuê bao di động. Việc một cá nhân được sở hữu nhiều thuê bao di động sẽ khiến việc kiểm soát giao dịch và xác minh thông tin của người dùng trở nên khó khăn hơn. Khi một cá nhân có nhiều thuê bao di động được đăng ký Mobile Money, họ có thể bán lại hoặc cấu kết với tội phạm rửa tiền để chuyển tiền qua những tài khoản khác nhau của nhiều người dùng kể cả khi những tài khoản này được xác thực đầy đủ thông tin. Cộng với tính chất ẩn danh, không phải trực tiếp xác minh thông tin như ở ngân hàng thì tội phạm rửa tiền dễ dàng che giấu được nguồn gốc của số tiền.

Thứ ba, về nguyên tắc thì việc sử dụng Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ. Số tiền mà công ty viễn thông nhận được khách hàng phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, hiện nay, việc nạp tiền vào tài khoản di động không tương ứng với tỉ lệ 1:1. Ví dụ một người dùng muốn nạp 100.000 đồng vào tài khoản di động thì họ chỉ mất 98.000 đồng để mua thẻ điện thoại 100.000 đồng đó. Như vậy, số tiền được nạp vào đã có sự chênh lệch với số tiền thực tế người dùng phải bỏ ra, tỉ lệ khi đó không còn 1:1 nữa [13]. Khi sử dụng Mobile Money thì tiền trong tài khoản không đơn giản chỉ dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông trọng nội bộ nhà mạng, hoặc giữa các nhà mạng với nhau nữa, mà tiền trong tài khoản còn dùng để thanh toán các giao dịch khác, phạm vi thanh toán sẽ rộng hơn. Từ đó, việc chênh lệch lượng tiền sẽ dẫn đến sự phát sinh lượng tiền trên thị trường, gây khó khăn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ [14]. Tội phạm rửa tiền cũng sẽ tận dụng sơ hở này để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến mãi của những công ty viễn thông cũng dễ gây ra tình trạng phát sinh thêm lượng tiền nếu tiền khuyến mãi cũng được đưa vào để sử dụng Mobile Money.

Thứ tư, những doanh nghiệp được cấp phép thí điểm dịch vụ này có thể là những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, nghiệp vụ quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động của khách hàng như những tổ chức tài chính truyền thống. Những nghiệp vụ liên quan đến quản lý thông tin khách hàng còn lỏng lẻo, chính sách xác thực thông tin còn đơn giản. Việc ảnh hưởng hưởng lớn đến quá trình quản lý thông tin, quản lý giao dịch. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam.

Từ những phân tích trên, có thể thấy việc xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền là rất cần thiết khi triển khai dịch vụ Mobile Money.

4.2. Một số khuyến nghị

Từ kinh nghiệm của một số nước trong phòng, chống rửa tiền đối với loại hình dịch vụ Mobile Money, bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị sau:

Một là, về định danh khách hàng. Để có được hiệu quả trong quy trình định danh khách hàng, trước tiên các công ty viễn thông cần phải xử lý vấn đề SIM rác và những SIM không xác minh thông tin, ví dụ yêu cầu khách hàng xác minh thông tin thuê bao đầy đủ, đối với những thuê bao không xác minh thông tin thì không cấp phép sử dụng dịch vụ Mobile Money. Hiện tại, các công ty viễn thông đã có động thái ngừng bán SIM hòa mạng tại các đại lý nhằm hỗ trợ quá trình xác minh thông tin cẩn thận, chính xác của các công ty [15]. Tuy nhiên, các cửa hàng bán SIM rác cũng cần thanh tra, rà soát, xử phạt để hạn chế tình trạng bán và sử dụng SIM rác, đặc biệt là những cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, dễ bị tội phạm rửa tiền lợi dụng lôi kéo nhằm hỗ trợ chúng thực hiện hành vi rửa tiền. Ngoài ra, cần phải xây dựng một hệ thống định danh khách hàng chặt chẽ, bao gồm nhiều yếu tố cần phải xác thực như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ liên lạc, địa chỉ yêu email, chữ ký hoặc vân tay khách hàng. Nếu không phải đăng ký trực tiếp tại các địa lý chính hãng của công ty viễn thông (đăng ký qua ứng dụng hoặc qua website) thì cần xác thực khuôn mặt so với giấy tờ tùy thân của khách hàng. Và cần phải quy định mỗi tài khoản Mobile Money tương ứng với một thông tin khách hàng tại một công ty viễn thông. Nếu tương ứng với một thuê bao di động thì cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa những tài khoản này của khách hàng.

Hai là, lưu trữ thông tin khách hàng. Việc lưu trữ bao gồm lưu trữ thông tin khách hàng và lưu trữ những giao dịch của khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định sau khi giao dịch đã kết thúc. Các công ty viễn thông phải có nghĩa vụ thiết lập và duy trì một hệ thống lưu trữ dữ liệu hoàn thiện theo đúng quy định pháp luật.

Ba là, định mức giao dịch. Định mức giao dịch để tội phạm rửa tiền không thể lợi dụng việc chuyển những khoản tiền nhỏ lẻ thành nhiều lần, nhằm che giấu nguồn gốc của số tiền lớn. Vì vậy, việc định mức giao dịch cho dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam là rất quan trọng, có thể định mức theo tổng giá trị được giao dịch trong một ngày hoặc trong một tháng.

Bốn là, kiểm soát giao dịch đáng ngờ. Việc kiểm soát các giao dịch đáng ngờ vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, bao gồm việc theo dõi dòng tiền di chuyển qua các thuê bao di động để nhận ra sự bất thường trong các giao dịch, từ đó có những biện pháp xử lý, đối phó. Để kiểm soát một cách hiệu quả thì cần thành lập một phòng ban riêng biệt trong công ty viễn thông theo dõi tất cả giao dịch của khách hàng. Hoặc thành lập tổ chức độc lập với các công ty viễn thông tiếp nhận những thông tin giao dịch do các công ty viễn thông gửi về, từ đó đánh giá các giao dịch để xác định giao dịch đáng ngờ, và gửi thông báo về cho các công ty hoặc phối hợp với cơ quan chức năng điều tra những giao dịch đáng ngờ này.

Năm là, cần phải quy định số tiền mà công ty viễn thông nhận được khách hàng phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1. Giả sử khách nạp 100.000 đồng vào tài khoản thì cũng phải bỏ ra số tiền là 100.000 đồng. Và tiền khuyến mãi của công ty viễn thông cho khách hàng thì không được sử dụng để thanh toán các giao dịch qua Mobile Money. Điều này nhằm ổn định lượng tiền tệ trong lưu thông, phục vụ công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

5. Kết luận

Dịch vụ Mobile Money trong tương lai khi được triển khai đồng bộ trên cả nước sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cũng như đời sống người dân. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đó thì phòng, chống rửa tiền cũng là vấn đề mà cơ quan chức năng và những nhà lập pháp đặc biệt quan tâm, bởi tính tinh vi của tội phạm và mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội. Phòng, chống rửa tiền thông qua dịch vụ Mobile money cũng vậy, do đó, việc xây dựng quy định chặt chẽ, kiểm soát có hệ thống đối với các giao dịch qua Mobile Money là vô cùng quan trọng.
___________

[1] Minh Đức, “Những điều cần biết về Mobile money sắp được thí điểm tại Việt Nam”, <https://vtv.vn/kinh-te/nhung-dieu-can-biet-ve-mobile-money-sap-duoc-thi-diem-tai-viet-nam-2020051110251439.htm>, truy cập ngày 06/6/2020.
[2] Các hình thức xác minh danh tính khách hàng được chấp nhận theo Mục 45 (1) (a) của Đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya bao gồm: Giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe hoặc bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào được chỉ định.
[3] M-pesa Know Your Customer (KYC) Procedure.
[4] Tangaza Money Transfer, <ictkenyan.wordpress.com/2010/12/07/tangaza-money-transfer/>, truy cập ngày 09/6/2020.
[5] Xem thêm tại Thông tư 608 năm 2008 của Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP Circular 608).
[6] Giấy tờ tùy thân phải thuộc danh sách các loại giấy tờ tùy thân được Ngân hàng Trung ương Philippines chấp thuận quy định tại Thông tư 608 năm 2008 (BSP Circular 608).
[7] State of the Industry Report on Mobile Money 2019, <www.gsma.com/sotir/wp-content/uploads/2020/03/GSMA-State-of-the-Industry-Report-on-Mobile-Money-2019-Full-Report.pdf>, truy cập ngày 03/6/2020.
[8] What are my Wallet and Transaction Limits?, 2019,
<help.gcash.com/hc/en-us/articles/360021112894-What-are-my-Wallet-and-Transaction-Limits->, truy cập ngày 04/6/2020.
[9] Terms and Conditions, < www.gcash.com/terms-and-conditions/20190402/>, truy cập ngày 04/6/2020.
[10] Thảo Anh, “Nghị định 49/2017/NĐ-CP: Thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo”, <www.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/134363/Nghi-dinh-49-2017-Nd-CP--That-chat-quan-ly-thue-bao-di-dong-tra-truoc--loai-bo-tinh-trang-sim-rac--sim-ao.html>, truy cập ngày 06/6/2020.
[11] M.Phương, “Quản sim rác, tin nhắn rác: Thả gà ra đuổi”, <thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/quan-sim-rac-tin-nhan-rac-tha-ga-ra-duoi-1234195.html>, truy cập ngày 06/6/2020.
[12] Trọng Đạt, “Viettel, VinaPhone, MobiFone dừng bán SIM hòa mạng tại các đại lý”, <vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/viettel-vinaphone-mobifone-dung-ban-sim-hoa-mang-tai-cac-dai-ly-645596.html?utm_source=Facebook&utm_medium=SocialFP&utm_campaign=vnn&fbclid=IwAR1eAlcWCPYjrNTfGznKsXg3dw-SfUpYkW7qBOc8vlVN_9IxFpty-KbnGPU>, truy cập ngày 06/6/2020.
[13] Trọng Đạt, “Dịch vụ mobile money khác gì so với ví điện tử?”, <vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/mobile-money-la-gi-mobile-money-khac-gi-so-voi-vi-dien-tu-534164.html>, truy cập ngày 06/6/2020.
[14] Nguyễn Long, “Cách nào hạn chế rủi ro từ ví điện tử và mobile money?”,
<cafef.vn/cach-nao-han-che-rui-ro-tu-vi-dien-tu-va-mobile-money-20200526074241264.chn>, truy cập ngày 06/6/2020.
[15] Trọng Đạt, “Viettel, VinaPhone, MobiFone dừng bán SIM hòa mạng tại các đại lý”, <vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/viettel-vinaphone-mobifone-dung-ban-sim-hoa-mang-tai-cac-dai-ly-645596.html?utm_source=Facebook&utm_medium=SocialFP&utm_campaign=vnn&fbclid=IwAR1eAlcWCPYjrNTfGznKsXg3dw-SfUpYkW7qBOc8vlVN_9IxFpty-KbnGPU>, truy cập ngày 06/6/2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya 2012 (The Proceeds of Crime and Anti-Money Laundering Act 2012 of Kenya).
[2] Quy định về Hệ thống thanh toán quốc gia Kenya 2014 (The National Payment System Regulations of 2014).
[3] Quy định hướng dẫn đạo luật về Tội phạm và Phòng chống rửa tiền của Kenya 2013 (The Proceeds of Crime and Anti-Money Laundering Regulation 2013).
[4] Thông tư 608 năm 2008 của Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP Circular 608).
[5] Đạo luật về Phòng chống rửa tiền Philippines 2001 (the Anti-Money Laundering Act of 2001), được sửa đổi, bổ sung bởi Đạo luật về Phòng chống và ngăn chặn tài trợ khủng bố Philippines 2012 (The Terrorism Financing Prevention and Suppression Act of 2012).
[6] Luật sửa đổi, bổ sung Đạo luật Đạo luật về Phòng chống rửa tiền Philippines 2001 (the Anti-Money Laundering Act of 2001) (Republic Act No.9194).
[7] Một số tài liệu tham khảo khác.

ThS. Lưu Minh Sang
Đặng Thị Thảo Huyền
Đỗ Thị Linh